Moshi moshi là cụm từ quen thuộc mà người Nhật thường dùng khi nhấc máy nghe điện thoại. Vậy bạn có biết ý nghĩa thực sự của nó không? Hãy cùng tìm hiểu về cụm từ thú vị này trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Moshi moshi là gì?
Moshi moshi là cụm từ thường dùng khi bắt điện thoại, tương tự với “A lô” trong tiếng Việt.
“Moshi” bắt nguồn từ động từ 申す, khiêm nhường ngữ của động từ tiếng Nhật 言う“nói” . Từ thời xưa, khi muốn nói với bề trên, người dưới thường sẽ nói 申し上げます, 申します hay 申す. Theo thời gian, từ này đã được rút ngắn lại thành 申し (moushi) như một cách nói để thu hút sự chú ý của người khác.
Quá trình rút ngắn: 申し上げます > 申します > 申す > 申し
Nhìn chung, moshi moshi thường được dùng trong các tình huống sinh hoạt bình thường và mang ấn tượng khá suồng sã.
Moshi moshi được sử dụng phổ biến từ khi nào?
Tại Nhật Bản, điện thoại lần đầu tiên được đi vào hoạt động là vào năm 1890. Vào thời gian đó, người ta sẽ nói 「おいおい」(oi oi): “ê” hoặc「こらこら」(kora kora): “này này” như một tín hiệu để bắt đầu nói chuyện, và người ở đầu dây bên kia sẽ đáp lại bằng câu 「はい、ようござんす」(hai, yogozansu): “vâng, tôi nghe đây”.
Lúc ấy, những người sở hữu điện thoại là người có địa vị xã hội cao như quan chức cấp cao hoặc doanh nhân. Vì vậy người ta cho rằng「おいおい」là một từ mang tính kiêu ngạo.
Sau đó, từ khi có sự xuất hiện của nhân viên trực tổng đài với vai trò kết nối hai đầu dây với nhau người ta mới thay đổi cách bắt đầu một cuộc gọi.
Nhân viên trực tổng đài sẽ đáp lại người gọi đến bằng「もしもし」(moshi moshi) với ý nghĩa là 「申し上げます」(moshiagemasu): “tôi xin phép nói đây ạ”. Bắt đầu từ đó, từ dùng để gọi điện thống nhất chuyển thành moshi moshi như hiện tại.
Xem thêm: học tiếng Nhật
Các trường hợp sử dụng moshi moshi
Như các bạn đã biết, người ta sẽ nói Moshi moshi khi nhận điện thoại. Tuy nhiên trên thực tế, nó còn được sử dụng trong những trường hợp sau:
Nếu bạn không nghe thấy người bên kia nói gì, bạn có thể sử dụng “moshi moshi” để xác nhận xem người đó có còn đang trong cuộc gọi không. Ví dụ, bạn có thể nói 「もしもし聞こえますか。」(Moshi moshi kikoemasuka?): “A lô, bạn có nghe thấy gì không?”
Bạn cũng có thể sử dụng moshi moshi trong cuộc trò chuyện trực tiếp. Chẳng hạn như bạn và đối phương đang trò chuyện, bạn thấy người kia có vẻ lơ đễnh, bạn sẽ vẫy tay trước mặt người đó và nói “Moshi moshi” để xem người đấy còn tập trung vào cuộc trò chuyện không.
Bạn cũng có thể dùng nó như một câu dùng để thu hút sự chú ý của ai đó. Nếu bạn muốn gọi ai đó ở phía xa, bạn có thể vẫy tay và nói, “Moshi moshi.”
Nếu bạn thấy ai đó bất tỉnh ngoài đường, bạn có thể chạm vào vai họ và nói「もしもし、大丈夫ですか。」(Moshi moshi, daijoubudesuka?): Bạn ơi, bạn có ổn không?
Trường hợp không sử dụng moshi moshi
Mặc dù moshi moshi là cụm từ rất thông dụng nhưng vì nó mang lại ấn tượng khá suồng sã nên bạn chỉ nên dùng với gia đình, bạn bè. Trong môi trường doanh nghiệp, cụm từ này không nên sử dụng.
Thay vào đó, bạn có thể sử dụng những cách nói sau đây:
Khi gọi điện thoại đến công ty khác
Đầu tiên, thay vì nói moshi moshi, bạn hãy nói:
「お世話になっております」(Osewa ni natte orimasu): Cảm ơn ngài/quý công ty đã chiếu cố
「お忙しいところ失礼いたします」(Oisogashi tokoro shitsurei itashimasu): Xin lỗi vì làm phiền ngài trong lúc rộn.
Hoặc nếu không dùng cách nói như trên, bạn cũng có thể dùng lời chào đơn giản như:
「おはようございます」(Ohayo gozaimasu): Chào buổi sáng.
Sau đó, bạn nêu tên bản thân và tên công ty:
「私、株式会社△△の○○です」: Tôi là ○○ của công ty △△ .
Khi nhận cuộc gọi đến
Đầu tiên hãy nói:
「お電話ありがとうございます」(Odenwa arigato gozaimasu): Cảm ơn ngài đã gọi
Sau đó, bạn nói tên mình hoặc kèm thêm cả tên công ty:
「はい、○○でございます」(Hai, ○○ de gozaimasu): Vâng, tôi là ○○
「はい、○○会社の○○でございます」: Vâng, tôi là ○○ của công ty △△
Khi được người khác chuyển máy
「お電話代わりました」(Odenwa kawarimashita): Tôi xin nhận chuyển máy.
「大変お待たせいたしました」(Taihen Omatase itashimashita): Tôi xin lỗi vì đã để ngài chờ.
Khi không nghe rõ
「恐れ入りますがお電話が遠いようです」(Osorei rimasu ga odenwa ga tooi youdesu): Xin lỗi nhưng hình như ngài để điện thoại hơi xa.
「恐れ入りますが、もう一度お願いいたします」(Osore irimasu ga, mou ichido onegai shimasu): Thật ngại quá, ngài có thể lặp lại lần nữa không?
Lưu ý: ngoài “moshi moshi” ra, bạn cũng không được nói thẳng là「すみません、声が聞こえないのですが」:Xin lỗi, tôi không nghe thấy ngài nói gì” vì nó khiến đối phương nghĩ rằng bạn không nghe thấy là do lỗi của họ.
Xem thêm: sách tiếng Nhật thương mại để biết thêm nhiều cách nói trong doanh nghiệp Nhật
Moshi moshi và tín ngưỡng văn hóa Nhật Bản
Không chỉ dừng lại ở việc là cụm từ đơn thuần dùng khi nghe điện thoại, moshi moshi còn ấn chứa trong đó tín ngưỡng văn hóa của Nhật Bản.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao “A lô” của Việt Nam chỉ nói 1 lần nhưng “moshi moshi” của Nhật Bản lại lặp lại hai lần chưa?
Đó là bởi vì người Nhật đề phòng trong Kitsune (cáo, hồ ly) giả dạng.
Trong văn hoá dân gian Nhật Bản, Kitsune có khả năng hóa thân thành con người để hãm hại người khác. Tuy nhiên, nó không thể phát âm toàn bộ một từ mà chỉ nói được những âm rời rạc. Nếu một người đến gõ cửa nhà bạn và nói chuyện bằng cách phát âm từng từ một, chẳng hạn như thay vì nói “Uchi desuka?” lại nói là “Uchi… de…?” thì đó có thể là do một con Kitsune giả dạng.
Vì Kitsune không thể phát âm nhanh và đầy đủ cả cụm từ “Moshi moshi” như con người nên để tránh việc bị loài cáo này dụ dỗ và hãm hại, người Nhật đã nói “Moshi” hai lần khi nghe điện thoại.
Ngoài ra, nói “moshi moshi” cũng là cách chứng minh bản thân không phải là Yokai (yêu quái).
Theo truyền thuyết dân gian Nhật Bản, nếu Yokai gọi một người bằng từ “Moshi” và người này đáp lời, chúng sẽ cướp đi linh hồn của họ. Điều này cũng tương tự như khi nghe điện thoại, để khẳng định mình không phải là một Yokai khát máu, người Nhật thường đáp lại lời người khác bằng hai từ “Moshi moshi” rất rõ ràng.
Trên đây là những chia sẻ về cụm từ moshi moshi trong tiếng Nhật. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu biết thêm kiến thức thú vị về ngôn ngữ và văn hóa của Nhật Bản.