Học tiếng nhật có khó không

Học tiếng nhật có khó không có lẽ là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc và tìm hiểu trước khi học tiếng Nhật. Tiếng Nhật là ngôn ngữ được120 triệu dân nước này đều sử dụng. “Tiếng Nhật vừa là tiếng nói của người Nhật, vừa là ngôn ngữ quốc gia của Nhật Bản với tên gọi “Quốc ngữ” (kokugo)”(1). Tuy vậy, ở Nhật Bản lại tồn tại một hệ thống phương ngữ đa dạng của các vùng khác nhau. Có hai tuyến phương ngữ chính là phương ngữ Kanto (Tokyo và các vùng lân cận) và phương ngữ Kansai (Osaka…). Các phương ngữ này không chỉ khác nhau về mặt ngữ âm (trọng âm, độ cao khi phát âm) mà còn có sự khác biệt cả về mặt từ vựng nữa. Hiện nay, phương ngữ Tokyo được chọn làm ngôn ngữ chuẩn để sử dụng trên các phương tiện truyền thông.

Học tiếng nhật khó không – Đặc trưng của tiếng Nhật là gì?

Học tiếng nhật có khó không

1. Hệ thống chữ viết:

Có thể nói, tiếng Nhật là một ngôn ngữ vô cùng phức tạp và có một hệ thống chữ viết “kỳ dị” nhất thế giới. Điều này đã gây khó khăn cho trên 2 triệu người nước ngoài đang học tiếng Nhật hiện nay, trong đó có hơn 50.000 học viên Việt Nam. Hiện nay, người Nhật sử dụng tới 4 loại chữ viết trong một văn bản: đó là chữ Hán được du nhập từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ III và IV, chữ Hiraganachữ Katakana được người Nhật sáng tạo ra vào khoảng thế kỷ thứ VIII và IX và chữ Latin được các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha truyền vào Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ XVI và XVII.

Chữ Hiragana được hình thành từ lối viết thảo chữ Manyogana, phổ biến vào thời Heian. Dựa trên những ghi chép còn lại đến ngày nay, người ta cho rằng chữ Hiragana đã ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X. Vào thời đó, chữ này được gọi là Onnade, tức là loại chữ chỉ dành cho phụ nữ viết. Trong khi chữ Hiragana được coi là loại chữ dành cho phụ nữ, thì lúc này chữ Hán hay chữ Manyogana được gọi là Otode tức là loại chữ của nam giới. Chữ Hiragana (Kana biến thể) lúc đầu có số lượng rất lớn, nhưng đã được điều chỉnh dần dần để trở thành một hệ thống gồm 48 đơn vị ghi âm như ngày nay. Chữ Hiragana hiện nay được dùng để viết những từ Nhật Bản và những từ vay mượn gốc Trung Quốc nhưng không thể viết bằng chữ Hán trong bảng chữ Hán thường dụng.

Chữ Katakana cũng ra đời cùng thời với chữ Hiragana, tức là vào đầu thời đại Heian. Bộ chữ này được tạo thành do giản lược một phần chữ Manyogana, bởi vậy nó có tên là Kata (Phiến: một phần). Tuy nhiên loại chữ này chỉ được giới tăng lữ sử dụng vào việc ghi chép cách đọc kinh Phật, còn việc sử dụng loại chữ này trong các tác phẩm văn học phải vào thế kỷ thứ XII (tác phẩm “Konjaku Monogatari” được viết bằng chữ Hán và chữ Katakana). Ban đầu, nhiều chữ Katakana có thể được dùng để ghi 1 âm tiết. Sang thời Muromachi (1336-1603), mối liên hệ 1-1

giữa âm tiết và chữ Katakana được thiết lập. Loại chữ Katakana được sử dụng ngày nay đã được chuẩn hóa vào năm 1900.

Chữ Kanji hiện nay, số lượng chữ Hán thường dụng trong tiếng Nhật vào khoảng 2000-3000 chữ. Trong tiếng Nhật, mỗi chữ Hán thường có từ 2 cách đọc On trở lên và có nhiều hơn 1 cách đọc Kun, do cách đọc Kun là sự dịch nghĩa của chữ Hán sang tiếng Nhật, và có nhiều trường hợp nghĩa tùy thuộc vào nội dung hoặc từ loại mà chữ Hán đó được sử dụng. Ví dụ với chữ Hán “hành”, có 3 cách đọc On là: kou (cách đọc âm Ngô) trong “ryokou” (lữ hành), gyou (cách đọc âm Hán) trong “shugyou” (chấp hành) và an (cách đọc âm Tống) trong “andon” (hành đăng, nghĩa là đèn dầu). Chữ “hành” cũng có tới 3 cách đọc Kun là: iku (đi, nghĩa thông thường), yuku (đi, nghĩa bóng; VD: bước trên đường đời…), okonau (tổ chức).

2. Ngữ âm

Khác với tiếng Việt, âm tiết trong tiếng Nhật hầu hết đều không mang nghĩa. Nếu như trong tiếng Việt, có rất nhiều từ được cấu tạo bởi một âm tiết, và mỗi âm tiết đều mang ý nghĩa nhất định, VD: cây, hoa, ấm, tôi…, thì đối với tiếng Nhật, phần lớn các từ được cấu tạo từ hai âm tiết trở lên và mỗi một âm tiết thường không mang ý nghĩa nào cả. VD: từ “hay” – “omoshiroi” có 5 âm tiết /o/mo/shi/ro/i, khó có thể tìm thấy ý nghĩa của mỗi âm tiết này. Cũng có những từ được cấu tạo bởi 1 âm tiết và trong trường hợp này, âm tiết mang ý nghĩa của từ đó, VD: “ki” có nghĩa là cái cây, “e” có nghĩa là bức tranh, “te” có nghĩa là cái tay… nhưng những từ như vậy chiếm số lượng rất nhỏ trong vốn từ vựng tiếng Nhật.

Tiếng Nhật có tất cả 5 nguyên âm: /a, i, u, e, o/ và 12 phụ âm: /k, s, t, g, z, d, n, m, h, b, p, r/ một số lượng khá ít so với các ngôn ngữ khác. Ngoài ra còn có hai âm đặc biệt là âm mũi (N) và âm ngắt (Q).

Trong tiếng Nhật, trọng âm cũng giữ một vị trí khá quan trọng. Trọng âm được thể hiện chủ yếu bằng độ cao khi phát âm, và nhờ có trọng âm mà nhiều từ đồng âm khác nghĩa được phân biệt. Ví dụ như từ “hashi” nếu phát âm cao ở âm tiết thứ nhất thì có nghĩa là “đôi đũa”, nếu phát âm cao ở âm tiết thứ hai thì lại có nghĩa là “cây cầu”. Tuy nhiên, các phương ngữ lại có sự phân bố trọng âm không giống nhau. Vì vậy, phương ngữ Tokyo đã được lấy làm ngôn ngữ chuẩn.

3. Từ vựng

Có thể khẳng định rằng tiếng Nhật là một ngôn ngữ có một vốn từ vựng rất lớn và vô cùng phong phú. Điều này thể hiện rõ nét khi so sánh tiếng Nhật với tiếng Anh, tiếng Pháp và các thứ tiếng phổ biến khác. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tiến hành so sánh ngôn ngữ của một số nước trên thế giới để tìm hiểu xem người ta biết bao nhiêu từ của một ngôn ngữ nào đó thì có thể hiểu nhau khi giao tiếp. Những chỉ số đưa ra từ cuốn sách “Tiếng Nhật hiện đại”([2]) cho thấy trường hợp của tiếng Pháp, nếu biết được khoảng 1000 từ thì khi hội thoại có thể hiểu được 83,5%. Nhưng ở tiếng Nhật, nếu biết 1000 từ thì chỉ hiểu được 60% hội thoại. Cũng như vậy, khi so sánh với tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, người ta đã kết luận rằng ngôn ngữ Nhật là thứ tiếng cần phải biết nhiều từ nhất thì mới có thể giao tiếp được. Cụ thể là, tiếng Pháp nếu biết 5000 từ thì có thể hiểu được 96%, tiếng Anh và Tây Ban Nha cũng tương tự như vậy, còn tiếng Nhật để hiểu được 96% thì cần phải biết tới 22.000 từ. Ngoài ra, trong tiếng Nhật còn có rất nhiều từ xuất hiện trong thơ ca, tiểu thuyết và những từ này lại chưa được thống kê ngay cả trong cuốn Đại từ điển tiếng Nhật. Cuốn “Đại từ điển” của nhà xuất bản Heibonsha được coi là lớn nhất hiện nay có tới hơn 720.000 từ.

4. Ngữ pháp

Đặc điểm nổi bật nhất của ngữ pháp tiếng Nhật là trật tự câu hoàn toàn đảo lộn so với các ngôn ngữ khác như tiếng Việt, Anh, Nga, Trung… Trong tiếng Nhật, vị ngữ đứng cuối câu là một nguyên tắc bất dịch. Hầu hết các ý nghĩa ngữ pháp được thể hiện bằng trợ từ và trợ động từ chứ không phải là bằng trật từ từ trong câu. Điều này khác xa với tiếng Việt vốn thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp phần lớn bằng trật tự từ, và đôi khi là hư từ trong câu([5]). Ví dụ câu: “Mèo ăn chuột” trong tiếng Việt, nếu thay đổi trật tự từ (chủ ngữ và bổ ngữ) trong câu thành “Chuột ăn mèo” thì nghĩa của câu sẽ biến đổi hoàn toàn. Nhưng trong tiếng Nhật, nhờ sự “dán nhãn” của các trợ từ đi kèm mà các từ trong câu (trừ vị ngữ đứng cuối câu) có thể đổi chỗ cho nhau mà nghĩa của câu không hề bị thay đổi. Câu “Mèo ăn chuột” trong tiếng Nhật là:

– Neko-ga nezumi-wo taberu.

(mèo chuột ăn)

có thể được nói hoặc viết thành:

– Nezumi-wo neko-ga taberu.

(chuột mèo ăn)

Nghĩa của hai câu trên vẫn như nhau, không hề có bất cứ sự biến đổi nào.

Một đặc điểm quan trọng khác của ngữ pháp tiếng Nhật, giống với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, Nga, Pháp…, động từ và tính từ trong tiếng Nhật có sự biến đổi về mặt hình thức bằng cách ghép thêm tiếp vĩ ngữ để tạo thành thời, thể, trạng thái…, nhưng không biểu hiện ngôi và số. Ví dụ, động từ nomu (uống) có thể được biến đổi phần đuôi từ để biểu thị các ý nghĩa khác nhau như:

– Kohi-wo             nomu. (Uống cà phê)

– Kohi-wo nonda. (Đã uống cà phê)

– Kohi-wo nomitai. (Muốn uống cà phê)

– Kohi-wo nomeru. (Uống được cà phê)

– Kohi-wo nomou. (Nhất định sẽ uống cà phê)

Tham khảo: sách tiếng Nhật Minna

Học tiếng nhật khó không? Mất bao lâu để học tiếng Nhật?

Nhìn chung phải công nhận rằng học tiếng Nhật khá là khó, tuy nhiên nó không khó đến mức mà không thể học nổi hay chỉ có những người giỏi mới học được. Nó đơn thuần là 1 ngôn ngữ của sự kiên trì và chăm chỉ, chỉ cần có sự kiên trì và chăm chỉ thì chắc chắn bạn sẽ thành công trên con đường học tiếng Nhật của mình. Để đánh giá năng lực chúng ta sẽ tham gia vào ký thi JLPT để biết được năng lực của mình hiện tại.

Kỳ thi năng lực tiếng Nhật : 日本語能力試験にほんごのうりょくしけん (Nhật Bản ngữ năng lực thí nghiệm)  “Japanese Language Proficiency Test” – JLPT) là kì thi lâu đời nhất, có uy tín nhất, được phổ biến rộng rãi tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới, thích hợp với tất cả những người học tiếng Nhật muốn kiểm tra và đánh giá trình độ năng lực Nhật ngữ của mình

Thời lượng học bắt buộc để đậu bài thi

So sánh dữ liệu 2010-2015 
Những sinh viên biết chữ Kanji(ví dụ như diễn giả của Trung Quốc hay Hàn Quốc) Các sinh viên khác(không biết chữ Hán trước)
N1 1700~2600 giờ 3000~4800 giờ
N2 1150~1800 giờ 1600~2800 giờ
N3 700~1100 giờ 950~1700 giờ
N4 400~700 giờ 575~1000 giờ
N5 250~450 giờ 325~600 giờ

Tham khảo: học N5 mất bao lâu?

Nói tóm lại, tiếng Nhật là ngôn ngữ khó chứ không phải là ngôn ngữ dễ học. Bạn phải kiên trì mới có thể đạt được cấp độ N3, N2. Tuy nhiên, ngoài kiên trì ra, Bạn cần phải đi đúng hướng và có phương pháp đúng mới đạt được thành quả như mong đợi.

Hãy liên hệ với Daruma để được tư vấn khóa học tiếng Nhật nhé.

Xem thêm: lộ trình học tiếng Nhật 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat zalo
Chat Facebook